Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Cách nâng cao hiệu quả cho tuyển dụng

Có ý kiến cho rằng nên mời càng nhiều phòng ban có liên quan tham gia vào buổi phỏng vấn càng tốt. Thế nhưng điều đó lại khiến buổi phỏng vấn không thành công như mong đợi vì không có thời gian đào sâu, tìm hiểu rõ những kỹ năng của ứng viên. Một điểm nữa cần chú ý là phải có biên bản các cuộc phỏng vấn và cần có sự xem xét, phân tích thấu đáo biên bản để làm cơ sở cho các quyết định sau này. 

Bằng cách giảm thiểu các sai lầm cơ bản trong quá trình tuyển dụng, từ tuyển chọn, thu thập thông tin tới phỏng vấn, công ty hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả "săn đầu người" của mình theo những gợi ý dưới đây. 
Tuyển chọn: Không nên tin cậy vào một hoặc hai phương thức tuyển dụng để phát hiện ra ứng viên tài năng. Để tuyển được ứng viên ưng ý, nên sử dụng nhiều cách thức khác nhau, ví dụ tiến cử nhân viên có uy tín trong công ty, thông báo tuyển dụng, thuê công ty chuyên làm dịch vụ tuyển dụng, hoặc hợp tác với chuyên viên giỏi. 

Tìm kiếm thông tin: Khoa học kỹ thuật phát triển đã tạo nên một cuộc cách mạng thông tin và việc truy cập vào các kho thông tin, trong đó sử dụng nguồn tin Internet để đưa ra quyết định là một việc làm cần thiết. 

Quá trình phỏng vấn: Một điều rất quan trọng là các buổi phỏng vấn phải được chuẩn bị kỹ từ trước. 

Tìm được một người tài giỏi, phù hợp với yêu cầu của công ty không hề dễ dàng. Phải phối hợp việc phân tích thông tin ứng viên và sự chuẩn bị chu đáo cho các vòng phỏng vấn để quyết định cuối cùng được rõ ràng và chính xác. Đó là những nguyên tắc cơ bản để giành phần thắng trong cuộc chiến thu hút nhân tài trong thời đại ngày nay. 

Làm nổi bật những kỹ năng của bạn trong buổi phỏng vấn

Nêu bật những thành tích, những lời khen ngợi từ cấp trên và thời gian làm việc trước đó của bạn. Chứng minh sự phù hợp từ kinh nghiệm của những công việc trước đó với vị trí bạn ứng tuyển. 

Trong cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động, các công ty sẽ nhìn vào những kỹ năng của ứng viên để quyết định lựa chọn ứng viên nào sẽ phù hợp nhất cho môi trường làm việc của họ. Trong lúc phỏng vấn, bạn muốn cho thật chắc chắn thành công tốt đẹp thì bạn cần phải làm nổi bật những kỹ năng của bạn để sao cho  bạn đặc biệt nổi bật hơn những ứng viên khác. 
Sau đây là những kỹ năng mà bạn nên tập trung vào để tạo ra sự khác biệt: 
1. Kỹ năng sẵn có cho công việc 
Đây là những kỹ năng mà hiện tại bạn đang có, và có thể được sử dụng cho công việc hoặc cho công ty bạn ứng tuyển. Rất nhiều nhà tuyển dụng sẽ nghiên cứu kỹ những kỹ năng mà bạn đã có sẵn và không cần phải đào tạo thêm. Đây là những gì bạn nên nhấn mạnh trong sơ yếu lí lịch của mình, và rất có thể đó là nguyên nhân chính bạn sẽ được gọi phỏng vấn. 

2. Tính cách 

Khi một nhà tuyển dụng phỏng vấn bạn, họ sẽ cố hình dung xem bạn sẽ phù hợp như thế nào với môi trường công việc hiện tại trong văn phòng của họ. Họ cũng sẽ đánh giá tính cách của bạn xem bạn có phù hợp với êkíp của họ hay không và những điểm mạnh của bạn có bổ sung được cho nhóm không.

Khi một nhà tuyển dụng yêu cầu bạn kể về bản thân mình, hãy để cho họ biết  tình trạng nghề nghiệp của bạn và cả những tính cách tốt của bạn nữa. Hãy kể cho người phỏng vấn biết đôi điều về việc bạn mang những tính cách cá nhân vào việc phát triển nghề nghiệp như thế nào. 

3. Kinh nghiệm 
Điều này sẽ bao gồm những thành tích đạt được trong quá trình học tập, huấn luyện bên ngoài công việc, bất kỳ cuộc triển lãm thương mại nào hoặc những buổi tọa đàm mà bạn đã được tham gia để đẩy mạnh những hiểu biết về chuyên môn cho sự phát triển những kỹ năng của bạn. 

Dựa vào lĩnh vực mà bạn ứng tuyển, hãy thể hiện sự luôn thay đổi tiến bộ bằng việc quan tâm đến việc tiếp tục học thêm những kiến thức chuyên môn qua các khóa huấn luyện, hay học thêm một văn bằng nữa chẳng hạn để luôn cải tiến trình độ chuyên môn của bạn. 

Hãy để cho nhà tuyển dụng biết những giá trị bạn mang đến cho công ty họ và cho công việc bằng cách làm nổi bật những kỹ năng của bạn. Mỗi người đều có những kinh nghiệm và kỹ năng đặc biệt , hãy chắc chắn những điều đó sẽ được sáng tỏa thông qua lúc phỏng vấn.

"Rớt đài" từ những điều sơ đẳng nhất...

Cô đã tự rút ra kinh nghiệm “xương máu” là: "Hồi còn trên ghế giảng đường, hầu như chỉ biết có kiến thức từ bên trong giảng đường, tức thầy dạy bao nhiêu thì "hưởng" bấy nhiêu. Lẽ ra, học 1 phải biết 5, 6, thậm chí phải biết 10 - phải tranh thủ trang bị thêm kiến thức và tiếp xúc thực tế càng nhiều càng tốt". 

Nhiều người lao động không hiểu tại sao mình bị "rớt đài" sau các vòng thi tuyển, dù rằng mình cũng có bằng cấp, chuyên môn "đầy mình". Thực tế, những nguyên nhân tưởng chừng rất nhỏ song cũng đủ khiến nhà tuyển dụng thẳng tay loại bạn ra khỏi danh sách ứng viên, nhất là các công ty lớn và công ty đa quốc gia. 

Đi dự tuyển hay... đi chợ? 

Chị Trịnh Thanh Trang - phụ trách phòng Nhân sự Công ty Dịch thuật ngôn ngữ Best (Mỹ) nhận xét, nhiều người đến phỏng vấn trong bộ dạng không khác gì "đi chợ". Họ đến phỏng vấn khi đã quá trễ giờ hoặc chờ đến lượt mình phỏng vấn thì đột ngột gọi điện lại xin hẹn giờ khác... 

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sáng - Trưởng phòng Cung ứng lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (Thành Đoàn TP.HCM) cho biết, các nhân viên tuyển dụng lao động ở đây không thể nào không "ấn tượng" với một số bạn trẻ vào đăng ký việc làm mà khẩu trang vẫn bịt kín trên mặt; bao tay cũng không "thèm" tháo ra cho lịch sự... 

Theo anh Sáng, nhiều nhà tuyển dụng từng lên tiếng phàn nàn rằng họ thấy "mệt mỏi" trước những người lao động không chịu chuẩn bị những vấn đề cơ bản trước khi bước vào dự tuyển. Hồ sơ xin việc thì hết sức sơ sài, cẩu thả hoặc quá dài dòng; hiểu "lơ tơ mơ" về công việc, công ty mà mình định "đầu quân" vào. Thậm chí, có người đã copy đơn xin việc (bằng tiếng Anh) của một người bạn (vì thấy hay quá (!). Đến khi nhà tuyển dụng đọc đơn xin việc mới "tá hỏa": "Tôi biết Coca Cola là một đơn vị nổi tiếng về sản xuất bột giặt trên thế giới!”. 
Chìa khóa thành công: Thái độ là quan trọng 
Được một công ty dược Hàn Quốc tuyển dụng vào làm vài tuần, anh Nguyễn Huy Vượng (ngụ 22A/16 Hồ Bá Kiệm, P.6, Q.10, TP. HCM) chia sẻ kinh nghiệm chỉ bằng cụm từ ngắn gọn: "Hãy tự tin!". Nhớ lại những lần thất bại "chua cay" trước đây, anh thừa nhận nguyên nhân chủ yếu là do trạng thái không tự tin, đi dự tuyển việc làm mà như đi cầu cạnh, xin xỏ người ta. 

Tuy nhiên, sự tự tin thái quá, phô trương những kiến thức bằng cách "vung tay vung chân", thao thao bất tuyệt về những điều không ăn nhập với vị trí dự tuyển... cũng đủ khiến người lao động bị "nốc-ao" ngay trên "sàn" tuyển dụng. Chị Nguyễn Vân Thủy - Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty LG (liên doanh Hàn Quốc - Việt Nam) tại TP.HCM nhận xét: "Nhiều người đưa ra nhiều bằng cấp, kiến thức giỏi nhưng lại không chứng tỏ được khả năng thực tế trong lĩnh vực nào cả”. 

"Tưởng phỏng vấn gì, té ra là mấy câu bâng quơ về gia đình, bạn bè..."; "không ngờ công ty lớn như vậy mà gọi mình tới chỉ hỏi về ba loại đặc sản, sở thích và cả... khuyết điểm của mình!", sau một số cuộc phỏng vấn, không ít người lao động bày tỏ sự "ngỡ ngàng" như vậy. Tuy nhiên, với những nhà tuyển dụng, đó là những câu hỏi hoàn toàn không là "bâng quơ", "chơi chơi" chút nào. Đó chính là sự kiểm tra phản ứng linh hoạt và kiến thức về cuộc sống của người lao động. 

Giám đốc Công ty Phát triển nguồn nhân lực NetViet, ông Dương Xuân Giao khẳng định, 3 yếu tố quan trọng quyết định sự thành hay bại của các ứng viên lao động, theo thứ tự như sau: 1- Thái độ; 2- Kinh nghiệm làm việc; 3- Kiến thức, chuyên môn. 

Ông Giao nói: "Cái người lao động thiếu khi đi phỏng vấn chính là thái độ (attitude), thể hiện sự nhiệt tâm và trung thực của họ đối với công việc mà họ đang dự tuyển. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp chấp nhận tái đào tạo những người chưa hoàn thiện lắm về kiến thức, kinh nghiệm, miễn sao họ có thái độ chân thành, đúng đắn và bản lĩnh...". Vì thế, ông luôn dặn dò các ứng cử viên: "Hãy thi bằng tất cả tâm hồn của mình!"... 

Chuẩn bị từ... xa 

Sau một năm lặn lội đi tìm việc, bạn Nguyễn Thị Điệp - cựu sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM vừa bị... rớt trong cuộc thi tuyển vào Công ty Tin học Lạc Việt. Lý do chính: thiếu kinh nghiệm viết các phần mềm. 

Hiện nay, Điệp vừa làm các công việc văn phòng tạm thời để kiếm sống, vừa đeo đuổi các lớp học về lập trình, thiết kế đồ họa và cả phương pháp làm việc theo nhóm... để chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn mới với niềm tin "đánh chắc, thắng chắc". 

Kỹ năng mềm là ưu tiên hàng đầu khi tuyển dụng

Khi đi tìm việc, bạn cần chú trọng đến những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần và sau đó thể hiện những kỹ năng đó trong bản CV, trong buổi phỏng vấn xin việc.

Túi hồ sơ của bạn có đủ các loại bằng cấp, bạn tự tin về khả năng chuyện môn của mình…Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nhà tuyển dụng còn cần gì ở bạn? 

Ngày nay các công ty đều tìm kiếm những ứng viên mà ngoài những kỹ năng “cứng”, (thường xuất hiện trên bản lý lịch, khả năng học vấn của bạn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn) họ còn cần phải có những kỹ năng để bổ sung và phụ trợ cho kỹ năng cứng đó (gọi là kỹ năng mềm). 

Kỹ năng mềm là một tập hợp những khả năng, thói quen, thái độ và cách giao tiếp xã hội, chúng không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng cá tính đặc biệt, chúng quyết định khả năng bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo. 

Các công ty đánh giá cao những ứng viên có kỹ năng mềm. Và những kỹ năng mềm phổ biến nhất mà nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ở các ứng viên là: 

- Nhiệt tình trong công việc: Bạn có động lực và tận tâm với công việc của mình hay không? Bạn sẽ đam mê và làm hết mình vì công việc đó chứ? 

- Thái độ tích cực: Bạn có lạc quan, vui vẻ không? Bạn sẽ tạo được niềm sự thích thú và say mê công việc đó chứ? 

- Kỹ năng giao tiếp tốt: Bạn có phải là người vừa biết nói chuyện, vừa biết lắng nghe? Bạn có thể chia sẻ những tình huống trong công việc và yêu cầu của mình với các đồng nghiệp, khách hàng…một cách tích cực và xây dựng. 

- Kỹ năng quản lý thời gian: Bạn có biết cách sắp xếp những ưu tiên trong công việc và làm nhiều việc một lúc? Bạn có biết sử dụng thời gian của mình một cách thông minh?

- Kỹ năng giải quyết các vấn đề: Bạn năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề chắc chắn sẽ nảy sinh trong quá trình làm việc? Bạn sẽ đảm nhận giải quyết công việc hay "nhường phần" cho người khác? 

- Làm việc theo nhóm: Bạn có khả năng làm việc tốt theo nhóm? Bạn đóng góp tích cực và đôi khi như kiêm vai trò là người lãnh đạo? 

- Tự tin: Bạn có thực sự tin rằng mình có thể làm được công việc này? Bạn có thể hiện thái độ bình tĩnh và tạo sự tự tin cho người khác? Bạn có khuyến khích được mọi người đặt các câu hỏi cần thiết để đóng góp ý kiến xây dựng? 

- Biết thừa nhận và học hỏi từ những lời phê bình: Bạn có thể biến những lời phê bình thành những kinh nghiệm và bài học cho bản thân? Bạn có thể học hỏi và tự phát triển để trở thành một người chuyên nghiệp? 

- Tính linh hoạt: Bạn có thể thích nghi được với những tình huống và những thách thức mới? Bạn có sẵn sàng đón nhận những thay đổi và đưa ra những ý tưởng mới? 

- Làm việc dưới áp lực: Bạn có chịu được stress khi khối lượng công việc nặng nề và những ngày cuối cùng của dự án? Bạn có thể hoàn hành tốt công việc và vượt qua ngay cả những lúc khó khăn nhất? 

 Nhớ rằng, dù bạn nộp đơn cho bất kỳ vị trí nào đi nữa, thì sự kết hợp những kỹ năng cứng và những kỹ năng mềm luôn cho bạn nhiều cơ hội.

Các hình thức phỏng vấn cùng cách chuẩn bị

Những câu hỏi thật gai góc và hóc búa sẽ được phát huy tối đa để kiểm tra độ nhạy bén của bạn. Ví dụ người phỏng vấn sẽ đặt ra một chủ đề gây tranh cãi và không đồng ý với bạn. 

Bạn chuẩn bị đi phỏng vấn và đang tự hỏi nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn gì đây… Bạn có biết việc nắm rõ các hình thức phỏng vấn sẽ giúp bạn tự tin tìm ra cách trả lời phù hợp nhất? 

Phỏng vấn qua điện thoại
 

Do hạn chế về thời gian, những buổi phỏng vấn qua điện thoại ngày càng phổ biến. Đó là cách phỏng vấn để nhà tuyển dụng (NTD) đánh giá sơ bộ về ứng viên. NTD có thể báo trước cho bạn thời gian phỏng vấn qua điện thoại. Tuy nhiên họ cũng có thể không báo trước. 

Cách chuẩn bị: 

- Chuẩn bị tất cả những tài liệu liên quan, như hồ sơ tìm việc, thư xin việc, người tham khảo, v.v.

- Khi buổi phỏng vấn bắt đầu, bạn hãy chắc rằng bạn nắm rõ tên và chức vụ của người phỏng vấn và sử dụng đúng tên của ông ta/bà ta trong suốt buổi phỏng vấn. Hãy nhớ viết thư cám ơn người phỏng vấn sau khi buổi phỏng vấn kết thúc. 

- Bạn cần trả lời ngắn gọn và tập trung. Hãy để người phỏng vấn cắt ngang nếu ông ta/bà ta muốn hỏi bạn thêm thông tin hoặc thay đổi chủ đề. 

- Hãy nêu những câu hỏi liên quan đến công việc, công ty, quá trình tuyển dụng, v.v. 
Phỏng vấn theo nhóm 
Phỏng vấn theo nhóm được đánh giá là khá hiệu quả. Như tên gọi, nhiều người sẽ phỏng vấn bạn cùng một lúc thay vì bạn được phỏng vấn riêng với từng người. 

Cách chuẩn bị: 

- Trả lời và hướng ánh nhìn của bạn đến tất cả những người trong nhóm, thay vì chỉ với người đặt câu hỏi cho bạn. Tuy nhiên, bạn nên tập trung sự chú ý vào người trực tiếp đặt câu hỏi cho bạn. 

- Thông thường trong một buổi phỏng vấn theo nhóm, sẽ có một người chính chủ trì. Người này có thể là giám đốc trực tiếp của bạn hoặc người đưa ra quyết định tuyển dụng bạn hay không, vì vậy hãy dành sự chú ý đặc biệt đến họ. 

- Khi buổi phỏng vấn kết thúc, hãy cảm ơn cả nhóm đã dành thời gian phỏng vấn bạn. Bạn có thể thể hiện sự nhiệt tình được tham gia công ty hoặc nêu một số đề xuất của bạn đến người chủ trì nhóm phỏng vấn. 

Khi người phỏng vấn thiếu kinh nghiệm 

Nếu bạn được phỏng vấn với một công ty quy mô vừa hoặc nhỏ không có chương trình tuyển dụng quy mô, có thể bạn sẽ gặp một người phỏng vấn thiếu kinh nghiệm. Người phỏng vấn thiếu kinh nghiệm có thể không nắm được vai trò chủ trì buổi phỏng vấn, vì vậy “tạo điều kiện” cho bạn “lên ngôi” trong cuộc phỏng vấn. 

Cách chuẩn bị: 

- Hãy tận dụng cơ hội này để trình bày khả năng của bạn vì bạn sẽ không bị áp lực như khi gặp một người phỏng vấn có quá nhiều kinh nghiệm. 

- Người phỏng vấn bạn thiếu kinh nghiệm vì họ không phải là người phỏng vấn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ rất quen thuộc và nắm vững cách thức công việc vận hành. Vì vậy bạn đừng nói hớ nhé. Hãy trình bày thật kỹ và cẩn thận khả năng của bạn và đặt ra nhiều câu hỏi về vị trí bạn dự tuyển. 

Phỏng vấn tìm hiểu hành vi trong quá khứ 

Người phỏng vấn thường căn cứ vào cách làm việc và thành tích trước đây để đánh giá xem bạn có đủ năng lực để đảm nhiệm tốt vai trò mới không. Bạn sẽ được hỏi về những tình huống cụ thể trong quá khứ, cách bạn giải quyết vấn đề và bạn đã học hỏi được gì từ những kinh nghiệm đó. 

Vd: Hãy cho tôi biết bạn đã làm gì để đạt doanh số 10.000 đôla Mỹ trong năm 2006? 

Cách chuẩn bị: 

Bạn cần đưa ra câu trả lời thật chi tiết và cụ thể với phương pháp STAR: 

- Situation (Tình huống): nêu rõ tình huống khó khăn mà bạn đã gặp phải. 

- Task (Nhiệm vụ): mô tả nhiệm vụ mà bạn đã đảm trách để giải quyết tình huống khó khăn trên. 

- Action (Hành động): trình bày những bước cụ thể bạn đã thực hiện để giải quyết tình huống. 

- Result (Kết quả): hành động của bạn đã đem lại kết quả tốt đẹp như thế nào và bạn đã rút ra kinh nghiệm gì. 

Phong cách phỏng vấn tạo áp lực 

Nhà tuyển dụng thường sử dụng phương pháp này để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề, cách đối phó với những tình huống căng thẳng và khả năng làm việc dưới áp lực cao của ứng viên. 

Cách chuẩn bị: 

Bạn nên bình tĩnh, đừng rối trí với ánh nhìn lạnh lùng hay những câu hỏi “sát thủ” của nhà tuyển dụng. Hãy nhớ rằng bạn nói gì không quan trọng bằng cách bạn thể hiện. Và đừng quên suy nghĩ thật cẩn thận trước khi nêu quan điểm của mình. 

Phỏng vấn Tình huống 

Người phỏng vấn đang muốn phân tích kỹ năng suy luận và óc phân tích của bạn để giải quyết vấn đề. Ví dụ, họ có thể hỏi bạn “Có bao nhiêu chiếc xe mô-tô ở thành phố Hồ Chí Minh?” Người phỏng vấn sẽ tìm hiểu quá trình bạn dùng để có được câu trả lời. 
Cách chuẩn bị: 
Dạng câu hỏi tình huống đòi hỏi ứng viên phải sáng tạo, có khả năng suy luận logic để đưa ra giải pháp thích hợp nhất. Và điều quan trọng nhất, hãy thể hiện rõ ràng quan điểm và suy nghĩ của riêng bạn trong mỗi câu trả lời, đó cũng là cách để bạn đánh giá liệu mình có phù hợp với điều kiện làm việc ở môi trường mới không.

Bạn đã biết cách đặt câu hỏi?

Chỉ với câu hỏi này bạn sẽ biết được rất nhiều thứ. Cách thức quản lý của cấp trên, sự kỳ vọng của các thành viên công ty với vị trí ấy, khả năng thăng tiến ở vị trí này... Nhớ, hãy lắng nghe cẩn trọng câu trả lời của nhà tuyển dụng cho những câu hỏi này. 

Chúc mừng! Bạn đã có được một cái hẹn phỏng vấn. Bạn đang chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho buổi phỏng vấn: may thêm bộ đồ mới, đánh lại đôi giày, nghiên cứu thêm tài liệu về công ty và in thêm vài bản CV nữa... nhưng bạn có biết, tất cả chỉ là phụ. Điều quan trọng nhất bạn cần phải chuẩn bị cho ngày trọng đại này là một chiến lược... đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. 

Hãy nhớ, bạn không phải là người duy nhất mong muốn vị trí ấy. Và biết cách đặt câu hỏi sẽ là cách tốt nhất để bạn thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn thực sự quan tâm tới vị trí mà họ đang tuyển dụng. Tất nhiên không có một mẫu số chung nào cho tất cả. Nhưng những mách nhỏ sau đây sẽ giúp bạn biết cách đặt câu hỏi chuyên nghiệp và dễ "ghi điểm" nhất. 


Hiện công ty có bao nhiêu nhân viên?
 

Đừng nghĩ rằng đó là câu hỏi thừa thãi. Nếu biết được câu trả lời cho câu hỏi này, bạn sẽ có thể mường tượng được cơ hội thăng tiến dành cho mình là bao nhiêu? Nhờ câu hỏi này bạn cũng có thể biết được liệu trách nhiệm trong công việc của mình ở mức độ nào. Bởi một công ty với số lượng nhỏ nhân viên bao giờ cũng sẽ đòi hỏi nhân viên của mình "cứng cáp", kỹ năng tốt hơn và phải căng mình làm nhiều việc hơn. 

Công ty có kế hoạch mở rộng hoạt động không? 

Với câu hỏi này bạn sẽ biết được công ty đang ở đâu trong quá trình phát triển của mình. Nếu họ không có kế hoạch bành trướng, mở rộng hoạt động nữa, thì có thể là họ đang gặp nhiều khó khăn, hoặc đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hoặc đơn giản chỉ vì họ chỉ là người làm thuê và chịu trách nhiệm duy trì công ty, chứ không biết gì về các chiến lược khác của công ty cả. 

Ai sẽ là người trực tiếp quản lý vị trí công việc này? 
Bạn hãy hy vọng rằng người quản lý bạn sau này trong công việc chính là người đang phỏng vấn và ngồi trước mặt bạn. Bởi nếu điều đó là đúng thì ít nhất bạn đã được sếp cân nhắc kỹ về những cá tính mà bạn bộc lộ chứ không chỉ là bạn trên... giấy. Và điều này cũng dẫn đến một câu hỏi khác: phong cách lãnh đạo của sếp thế nào? 

Bảo hiểm sức khoẻ ? 

Hãy chắc rằng bạn đã tìm hiểu kỹ về vấn đề này. Có thể đặt thêm câu hỏi để biết được liệu rằng bạn còn có nhiều lựa chọn khác không? Hay việc khám răng và thị lực có bao gồm trong chế độ chăm sóc sức khoẻ của công ty không? 

Chế độ hưu trí? 

Bạn cần phải biết thật kỹ về điều này. Có công ty có chế độ hưu trí rất tốt nhưng nhiều công ty lại không. Bạn phải đảm bảo rằng công ty bạn có chế độ tốt nhất mà bạn có thể có. Tất nhiên bạn cũng nên tìm hiểu mức độ phụ cấp mà bạn sẽ được nhận. 

Chế độ nghỉ? Vị trí tuyển dụng này có chế độ nghỉ như thế nào? Liệu có thể có những kỳ nghỉ cá nhân đột xuất được không? Nếu ốm đau thì như thế nào? Đó là những câu hỏi mà bạn nên đặt ra với nhà tuyển dụng. Tất nhiên chúng không quá quan trọng nhưng nếu bạn có được những thông tin này thì sẽ tốt hơn cả. 

Các chế độ khác : Chế độ thưởng dịp lễ Tết hay kỷ niệm thành lập? Chế độ hoa hồng? Các chế độ chăm sóc y tế khác? Đó cũng là những điều bạn không nên quên hỏi nhà tuyển dụng. 

Tương lai của công ty? 

Theo ông đâu là thách thức lớn nhất cho công ty trong những năm sắp tới? Ông có chắc rằng chúng ta đang không đi phải ngõ cụt? 

Đối thủ cạnh tranh ? 

Lợi thế của chúng ta với đối thủ trực tiếp là những gì? Công ty chúng ta có kế hoạch gì để tạo ra hoặc duy trì thế mạnh cạnh tranh đó với đối thủ? 

Ông bà hy vọng gì ở người nắm giữ vị trí này? 

Tương tự với câu hỏi này là câu hỏi kiểu: Ở vị trí này, thế nào được coi là thành công? Đây là cách để bạn định liệu liệu rằng công ty mà mình ứng tuyển có kế hoạch cứng như thế nào và họ kỳ vọng bao nhiêu vào vị trí mà bạn sẽ ứng tuyển. 

Tại sao người đang ở vị trí này lại không tiếp tục làm việc? 

Ở cuối buổi phỏng vấn, đây thực sự là một câu hỏi thông minh. 

Đường "hoạn lộ" của vị trí tuyển dụng này ra sao? 
Câu hỏi này sẽ là câu hỏi rất hay giúp bạn tìm hiểu được cơ hội thăng tiến của mình nếu ở vị trí này là như thế nào? Đương nhiên nó có thể rất quan trọng hoặc không hề quan trọng với bạn, nhưng đó là điều bạn nên biết.

Kỹ năng làm việc cần thiết cho những sinh viên mới ra trường

Một công việc bán thời gian hay thực tập khi còn đi học là yếu tố quan trọng giúp bạn ghi điểm trước nhà tuyển dụng. Thậm chí kinh nghiệm đi làm tình nguyện tại địa phương hay tham gia đội tuyển bóng đá trường cũng giúp bạn thể hiện được khả năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm 

Sau khi tốt nghiệp, chắc chắn bạn sẽ dấn thân vào thị trường lao động ngay khi có thể. Và để sớm thành công, bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy những khả năng của bạn. 

Những kỹ năng sinh viên cần có: 

Kỹ năng truyền đạt thông tin: Những nhà tuyển dụng muốn nhân viên của họ có thể viết được những bản báo cáo với trình tự khoa học và không có bất cứ lỗi ngữ pháp hay chính tả nào trong câu. Theo ông Ruth Prochnow, nhà tư vấn về nghề nghiệp của trường đại học Denver Career Centrer nói rằng: "Tôi nghĩ kỹ năng này cũng quan trọng như kỹ năng phát âm tốt và chuẩn vậy". 

Kỹ năng về máy móc công nghệ: Có những công việc đòi hỏi khả năng cao về công nghệ thông tin như khả năng hiểu biết về ngôn ngữ lập trình. Tuy nhiên, có những công việc bạn xin tuyển không yêu cầu về khả năng công nghệ thông tin thì kỹ năng sử dụng thành thạo máy vi tính cũng vẫn là yếu tố cần thiết và cơ bản. Bà Norm Meshriy, nhà tư vấn kiêm giám đốc của công ty Career Insights nói rằng: "Tiến bộ công nghệ được áp dụng vào công việc nhằm làm cho hiệu quả công việc cao hơn và giảm áp lực làm việc cho con người vì vậy để tận dụng được lợi thế đó các bạn phải biết sử dụng chúng". 

Khả năng lãnh đạo: Vài năm gần đây, nhiều công ty đã cắt giảm việc thuê những nhà quản lý ở cấp độ thấp mà họ đang tìm kiếm những người có khả năng lãnh đạo ở nhiều cấp độ kể cả ở những cấp độ cao trong công ty. 

Khả năng làm việc nhóm: Những nhà tuyển dụng muốn tìm những nhân viên có khả năng làm việc hiệu quả, năng suất khi làm theo nhóm. Điều này đòi hỏi nhân viên đó cần có tính cách hòa đồng, tôn trọng thời hạn công việc, và sẵn sàng giúp đỡ những thành viên còn lại trong nhóm để kịp tiến độ dự án cho dù việc đó không thuộc nhiệm vụ của họ. 
Bạn có thể tìm kiếm kinh nghiệm làm việc nhóm với những công việc làm thêm hay hoạt động ngoại khóa. Bà Meshriy cũng cho biết: "Hãy thử làm hầu hết mọi công việc bạn có khả năng trong cuộc sống, khi làm việc cùng những người khác bạn sẽ học được điều bạn cần". 

Khả năng làm việc độc lập: Tuy trái ngược với khả năng trên nhưng đây cũng được coi là yếu tố rất quan trọng khi đi xin tuyển. Nhà tuyển dụng cũng mong chờ nhân viên của họ có thể làm việc một cách độc lập khi cần thiết. 

Khả năng thích nghi nhanh: Có thể bạn biết cách để viết các biên bảo và thông báo theo đúng quy tắc nhưng sếp lại muốn bạn có cả khả năng ghi nhớ tốt và ghi chép nhanh trong công việc. Yêu cầu của sếp luôn đa dạng vì vậy bạn cần linh hoạt trong làm việc. Các đồng nghiệp cũng như sếp đến rồi đi. Điều quan trọng là bạn cần có khả năng thích nghi nhanh với những yêu cầu mới thậm chí trong cả những thời điểm khó khăn, bất ổn. 

Cách "nuôi dưỡng" các kỹ năng đó: 

Thách thức chủ yếu cho những sinh viên mới ra trường đó là ít kinh nghiệm làm việc, điều này gây khó khăn cho họ khi muốn thể hiện với nhà tuyển dụng thấy tất cả các kỹ năng mà họ có. 

Bà Meshriy gợi ý rằng để thể hiện kỹ năng của bản thân hãy gắn chúng vào từng câu chuyện. Mỗi câu chuyện như một ví dụ về những kết quả bạn đã làm được, nói về cách bạn đã áp dụng khả năng đó để giải quyết vấn đề. Nếu khi nhà tuyển dụng hỏi bạn làm sao để hòa đồng với mọi người trong công việc thì hãy kể về chương trình làm việc bất kỳ mà bạn đã tham gia. Một đề tài nghiên cứu nhóm bạn từng làm khi còn học trong trường cũng là một ví dụ ấn tượng. 

Điểm mấu chốt là bạn phải đưa ra nhiều câu chuyện khác nhau, không nên kể đi kể lại một câu chuyện trong buổi phỏng vấn.